Roche được thành lập năm 1896 tại Thuỵ Sĩ, Đức và Ý với tư cách là một trong những công ty đặc biệt đầu tiên sản xuất các dược phẩm từ các nghiên cứu khoa học. Sự mở rộng nhanh chóng ra thị trường quốc tế của Roche là kết quả từ sự táo bạo và quyết đoán của người sáng lập Fritz Hoffman, một thương gia đến từ Basel.
Kể từ đó, Roche đã khai thác những công nghệ mới và đột phá nhằm cải thiện thực hành lâm sàng , giúp các bệnh nhân sống lâu và sống tốt hơn. Mục tiêu này chưa bao giờ thay đổi và Roche vẫn luôn không ngừng tự đổi mới để đáp ứng được mục tiêu đó.
F. Hofmann-La Roche & Co được thành lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1896 tại Basel, Thuỵ Sĩ. Người sáng lập Fritz Hoffmann, cam kết sẽ giúp thay đổi ngành chăm sóc sức khoẻ sau khi chứng kiến những tác động tàn khốc của đợt bùng phát dịch tả ở Hamburg, Đức. Ông tin rằng các loại thuốc nên được sản xuất công nghiệp và phân phối ra toàn thế giới.
Roche mở rộng ra quy mô toàn cầu với hơn 700 nhân viên. Đến 1921, công ty đã có văn phòng chi nhánh trên khắp ba châu lục và tại chín quốc gia: Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, Pháp, Nga, Ý Đức, Anh và Mỹ.
Xi-rô ho không kê đơn của Roche là một thành công gần như ngay lập tức. Ra mắt v ào năm 1898, xi-rô nhanh chóng trở thành nhãn hiệu đầu tiên trong danh sách sản phẩm bán chạy nhất của Roche, tồn tại trên thị trường trong suốt 60 năm và đặt nền móng cho công ty trên con đường tạo ra những đột phá y tế trong tương lai.
Chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc nội chiến Nga đã khiến công ty chìm sâu vào khủng hoảng tài chính. Roche chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn để tiếp tục tồn tại. Một năm sau, người sáng lập Roche Fritz Hoffman qua đời. Kế nhiệm ông là Emil C. Barell, người đã tiếp tục củng cố định hướng khoa học của công ty khi tiếp quản.
Alice Keller, 30 tuổi, người gốc Basel, là nữ Tổng Giám đốc đầu tiên của Roche. Năm 1925, cô bắt đầu làm việc cho công ty con của Roche ở Tokyo. Alice tiếp tục thăng tiến và khi trở về Thụy Sĩ vào năm 1939, cô trở thành giám đốc điều hành cấp cao - một điều hiếm thấy vào thời điểm đó.
Hilde Pfaltz gia nhập viện dược phẩm của Roche và cuối cùng trở thành người đứng đầu viện. Chính tại đây, bà đã giới thiệu một số đổi mới, đáng chú ý nhất là tiêu chuẩn hóa việc thử nghiệm các loại thuốc mới, đánh giá khả năng gây ra quái thai của thuốc. Năm 1940, Pfaltz trở thành bác sĩ chính thức đầu tiên của Roche.
Tadeusz Reichstein, một nhà hóa học người Thụy Sĩ gốc Ba Lan, đã khám phá ra cách tổng hợp vitamin C sau 5 năm nghiên cứu. Đó là một trong những loại thuốc đại trà đầu tiên được sản xuất trong môi trường vô trùng, an toàn, đúng liều lượng với giá phải chăng. Roche trở thành nhà cung cấp vitamin hàng đầu và đây là một trong những bước đột phá sớm nhất của công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Sau khi thiết kế một chương trình sàng lọc ung thư tiên phong, công ty bắt đầu một hành trình làm nền tảng cho sự thay đổi toàn bộ các liệu trình điều trị ung thư. Nghiên cứu đột phá của nhà khoa học Robert Duschinsky (ảnh bên dưới) và nhà hóa sinh Charles Heidelberge tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của Roche trong lĩnh vực ung thư và thành quả của những khám phá của họ đã định hình lại cuộc chiến chống lại các loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư ruột kết, vú và dạ dày.
Được khởi xướng vào những năm 1920, mảng kinh doanh nhỏ với thuốc thử chẩn đoán của Roche đã dừng hoạt động khi công ty quyết định thành lập một bộ phận để sản xuất hóa chất và thiết bị chẩn đoán vào năm 1966. Vào năm 1968, một loạt thương vụ mua lại đã mang lại cho mảng kinh doanh những chuyên môn cần thiết trong các lĩnh vực như điện tử và kỹ thuật.
Từ năm 1968 đến năm 1972, Roche mở rộng năng lực nghiên cứu độc lập bằng cách mở một số trung tâm nghiên cứu như Viện Sinh học Phân tử Roche ở Nutley, New Jersey năm 1968, Viện Miễn dịch học Basel năm 1969 và Trung tâm Nghiên cứu Nippon ở Kumakara, Nhật Bản năm 1972.
Năm 1979, Roche tiếp tục mở rộng. Roche Nutley hợp tác với Genentech, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại San Francisco nhằm phát triển quy trình sản xuất interferon, một chất được sử dụng trong các phương pháp điều trị các bệnh như viêm gan, đa xơ cứng và ung thư. Cùng lúc đó, bộ phận chẩn đoán tiếp tục được mở rộng.
Niels Kaj Jerne, giám đốc đầu tiên của Viện Miễn dịch học Basel, được trao giải Nobel Y học năm 1984 cho công trình nghiên cứu quan trọng của ông về miễn dịch học.
Susumu Tonegawa, một nhà nghiên cứu tại Viện Miễn dịch học Basel từ năm 1972 đến năm 1981, được trao giải Nobel Y học năm 1987 cho công trình nghiên cứu về các đoạn gien kháng thể. Những khám phá nền tảng của ông đã mở đường cho việc sản xuất kháng thể nhân bản hoá.
Nhằm tăng cường cam kết với ngành chăm sóc sức khỏe, Roche đã thay đổi chiến lược. Công ty thoái vốn hai mảng kinh doanh – nước hoa và hương liệu vào năm 1999, vitamin và hóa chất tinh chế vào năm 2002 - để phát triển và tập trung thêm vào mảng dược phẩm và chẩn đoán. Bằng cách kết hợp thế mạnh và chuyên môn của cả hai bộ phận, Roche ưu tiên đổi mới các giải pháp cho toàn bộ hành trình chăm sóc sức khỏe. Công ty bắt đầu đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình tương lai của dịch vụ cá nhân hoá chăm sóc sức khỏe
Một loạt các loại thuốc đột phá trong việc điều trị ung thư được phát triển vào giữa những năm 1990 đã cách mạng hóa lĩnh vực ung thư và mang lại cho bệnh nhân niềm hy vọng mới.
Trong suốt những năm 1990, bộ phận chẩn đoán đã tung ra một lo ạt các sản phẩm mang tính cách mạng trong nhiều lĩnh vực của thiết bị xét nghiệm y tế. Trong số đó có thiết bị chẩn đoán phòng xét nghiệm tự động đầu tiên trên thế giới, công cụ cho phép người dùng thực hiện song song nhiều xét nghiệm – một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chẩn đoán. Năm 1997, Roche mua lại Boehringer Mannheim và trở thành công ty hàng đầu thế giới về chẩn đoán trong ống nghiệm cũng như đóng vai trò chủ chốt trong việc chăm sóc bệnh đái tháo đường.
Roche và Chugai đã thành lập một liên minh để xây dựng một công ty dược phẩm mang tính nghiên cứu tại Nhật Bản. Doanh nghiệp mới có tên Chugai Pharmaceutical Co. Ltd, là sự hợp nhất của Nippon Roche và Chugai, chuyên về dược phẩm theo đơn với thế mạnh về công nghệ sinh học.
Sau khi mua 60% cổ phần của Genentech vào năm 1990, Roche mua tiếp số cổ phần còn lại của Genentech vào năm 2009, chính thức hợp nhất hai gã khổng lồ dược phẩm. Danh mục đầu tư kết hợp biến họ thành công ty công nghệ sinh học lớn nhất thế giới, tập trung vào việc sử dụng thông tin di truyền của con người để phát triển thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc hiểm nghèo. Việc sáp nhập cũng cho phép Roche tiếp cận với hệ thống các loại thuốc và những nghiên cứu khoa học mới, đồng thời cung cấp cho Genentech năng lực khoa học của Roche, cùng với hỗ trợ tài chính lớn và quan hệ đối tác thị trường toàn cầu.
Sau ba thập kỷ tập trung chủ yếu vào các liệu pháp điều trị ung thư, Roche đã sử dụng những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực sinh học phân tử để mở rộng danh mục đầu tư của mình và phát triển các liệu pháp cho những lĩnh vực bệnh như khoa học thần kinh, đa xơ cứng, nhãn khoa và huyết học.
Đối mặt với lượng dữ liệu ngày càng tăng, với những cách mới để cấu trúc và sử dụng chúng cũng như sự phát triển của học máy và trí tuệ, Roche đã hợp tác với các chuyên gia trong lĩnh vực này. Năm 2018, Roche mua lại Flatiron Health, công ty hàng đầu về xử lý dữ liệu lâm sàng, và Foundation Medicine, một trong những cơ sở dữ liệu gen ung thư lớn nhất thế giới và là chuyên gia trong việc lập hồ sơ gen. Những thương vụ mua lại này giúp Roche hiểu rõ hơn về y học chính xác, đưa chúng ta đến gần hơn với cam kết về dịch vụ cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe.
Roche mua lại Spark Therapeutics, một công ty được thành lập để thách thức tính tất yếu của các bệnh di truyền, với trụ sở tại Philadelphia. Cùng nhau, cả hai có thể hiểu rõ hơn về bộ gien người và những bất thường về di truyền nhằm phát triển các liệu pháp đột phá phù hợp cho những bệnh nhân mắc các bệnh di truyền bằng cách tập trung vào những nguyên nhân gốc rễ.
Sự bùng phát toàn cầu của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 là một thách thức mới đối với Roche. Đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình là điều quan trọng, nhưng việc duy trì sản xuất các loại thuốc thiết yếu là điều tối quan trọng để đảm bảo bệnh nhân vẫn nhận được thuốc và các giải pháp điều trị giúp duy trì sự sống. Công ty đã thành công trong việc phát triển các xét nghiệm COVID-19 đáng tin cậy với tốc độ chóng mặt, trong khi vẫn tiếp tục phát triển các loại thuốc cải tiến mới nhắm vào nhiều loại bệnh.
Công ty TNHH Roche Việt Nam
Số ĐKKD: 0310805269 - Ngày cấp: 09/04/2011, được sửa đổi lần thứ 8, ngày 14/01/2020
Cơ quan cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM
Địa chỉ: Tầng 27, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Email: [email protected]
Trang này gồm các thông tin về sản phẩm hướng tới đông đảo bạn đọc và có thể có những thông tin sản phẩm không có hiệu lực tại quốc gia của bạn. Xin lưu ý rằng chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ hành vi truy cập thông tin nào vi phạm quy định, quy trình pháp lý, đăng ký và sử dụng tại quốc gia của bạn.